Thành phố Hồ Chí Minh tạm ngưng cấp phép dự án nhà ở mới tại Quận 1 và Quận 3

Quyết định số 5087 vừa được Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Trần Vĩnh Tuyến ký ban hành về việc phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở Tp.HCM giai đoạn 2016-2020. Quyết định hướng tới cụ thể hóa các định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển nhà ở của Chương trình phát triển nhà ở Tp.HCM giai đoạn 2016-2025 đã được HĐND TP thông qua.

Thay thế 50% chung cư cũ xây dựng trước năm 1975

Việc di dời các hộ dân sống ở trên và ven kênh rạch sẽ tiếp tục được thành phố thực hiện trong thời gian tới, đồng thời tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn. Các khu dân cư hiện hữu sẽ được nâng cấp để góp phần chỉnh trang và phát triển đô thị. Các khu đô thị mới tiếp tục được xây dựng, phát triển theo hướng các khu dân cư đồng bộ, văn minh, hiện đại. TP cũng sẽ đầu tư xây dựng, phát triển các dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu của thị trường về nhà ở, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội.

Quyết định cũng nêu rõ, Tp.HCM sẽ tiếp tục phát triển, đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội (nhà ở xã hội) đảm bảo đáp ứng cơ bản nhu cầu cho các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, tái định cư trong các dự án chỉnh trang đô thị của thành phố. Đặc biệt, trong số 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 trên địa bàn sẽ có 50% số chung cư được thực hiện cải tạo, sửa chữa xây dựng mới thay thế.

Tp.HCM định hướng sẽ tăng tổng diện tích sàn nhà ở lên ít nhất là 40 triệu m2 sàn. Trong đó, nhà ở riêng lẻ sẽ tăng thêm khoảng 32.147.246m2 sàn xây dựng; nhà ở chung cư tăng ít nhất 7.852.754m2 sàn.

Đáng chú ý, TP sẽ tập trung tăng thêm khoảng 2.204.000m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội, trong đó sẽ có khoảng 10.000 căn dành cho các đối tượng là người thu nhập thấp, 10.000 căn dành cho các đối tượng tái định cư. Với đối tượng công nhân trong các khu công nghiệp, TP sẽ tăng thêm khoảng 350.000m2 sàn nhà lưu trú, tương đương 35.000 chỗ ở. Ngoài ra còn có 74.000m2 sàn ký túc xá, tương đương 6.750 chỗ ở cho sinh viên thuê.

Về chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân, TP phấn đấu nâng chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người đến năm 2020 tối thiểu là 19,8m2/người, trong đó khu vực đô thị (bao gồm 19 quận) có diện tích bình quân khoảng 16,3m2/người, với khu vực nông thôn (5 huyện), con số này là 20,9m2/người.

Chung cư Thanh Đa (Bình Thạnh) có nhiều block nằm trong Chương trình cải tạo,
di dời chung cư cũ xuống cấp của Tp.HCM. Ảnh: Đỗ Trà Giang

Không cấp phép dự án mới tại quận 1, quận 3

Đến năm 2020, Tp.HCM sẽ phát triển nhà ở có kiểm soát tại khu vực trung tâm hiện hữu (gồm các quận 1, quận 3). Tại các khu vực này, TP cũng sẽ không chấp thuận chủ trương, công nhận chủ đầu tư đối với các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở.

Đối với các dự án nhà ở đã được công nhận, chủ đầu tư vẫn tiếp tục thực hiện đầy đủ các thủ tục đầu tư xây dựng đảm bảo đủ điều kiện khởi công theo các quy định của pháp luật hiện hành. UBND quận 1 và 3 có nhiệm vụ theo dõi, hỗ trợ chủ đầu tư các dự án đã được công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư, triển khai thi công xây dựng, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, tại khu vực trung tâm hiện đang có 4 chung cư cũ hư hỏng nặng, nguy hiểm, TP yêu cầu ưu tiên lựa chọn và công nhận chủ đầu tư để tháo dỡ các công trình này trước năm 2020 và triển khai xây dựng chung cư mới.

Tại khu vực nội thành hiện hữu (gồm 11 quận: 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú), TP sẽ tập trung hoàn thiện các dự án còn đang dở dang. Các dự án nhà ở mới nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp cần hạn chế phát triển. Theo đó, TP sẽ chỉ xem xét, chấp thuận chủ trương để triển khai thực hiện các dự án nhà ở mới nếu kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đã hoàn thiện, đảm bảo và phù hợp.

Đối với khu vực nội thành phát triển, cụ thể là 6 quận: 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức: Các dự án dở dang sẽ tiếp tục được tập trung hoàn thiện; các dự án nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn (như tuyến metro số 1 tại các quận 2, 9, Thủ Đức) hoặc các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng được ưu tiên phát triển. TP sẽ hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện các dự án nhà ở mới khi chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng phù hợp và đảm bảo theo quy định.

Các địa phương còn lại gồm huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ: Tiếp tục hoàn thiện các dự án dở dang và rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai. Với khu vực này, TP cũng ưu tiên phát triển nhà theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với những tuyến giao thông chính. Ngoài ra, TP sẽ phát triển các khu du lịch ở kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh tại đây.

Cần 316.769 tỷ đồng

Để thực hiện kế hoạch trên, TP cần 272,6ha diện tích đất xây dựng các loại nhà ở thương mại trong dự án; 75,4ha (trong đó đã bao gồm nhà ở xã hội cho các đối tượng tái định cư là 30,4ha) diện tích cho nhà ở xã hội. Về vốn, TP sẽ cần khoảng 316.769 tỷ đồng để phát triển nhà ở trong giai đoạn 2016-2020.

Trong đó có 82.274 tỷ đồng dành cho đầu tư xây dựng phát triển nhà ở thương mại; 212.661 tỷ đồng dành cho xây dựng nhà ở riêng lẻ của các hộ gia đình, cá nhân; còn lại khoảng 21.834 tỷ đồng là vốn tối thiểu để đầu tư nhà ở xã hội.

TP cũng dự kiến nguồn vốn phát triển nhà ở thương mại sẽ lấy từ nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng; vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chủ yếu lấy từ nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng ưu đãi, Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra, một phần vốn sẽ được lấy từ ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước…